Marketing online

Marketing Online

Tìm hiểu về chơi chữ trong các tác phẩm báo chí

Chơi chữ là một thủ pháp tạo giá trị biểu cảm cho ngôn từ khá hiệu quả; nhờ nó, lời nói của chủ thể phát ngôn trở nên sinh động, hấp dẫn và sâu sắc hơn, để lại dấu ấn nhất định trong lòng người nghe, người đọc. Trong nội dung sau đây, chúng tôi xin phép chia sẻ những kiến thức về chơi chữ trong các tác phẩm báo chí để các bạn tham khảo

Chơi chữ, theo Từ điển tiếng Việt là "Dùng các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa, v. v. trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm , hài hước...) trong lời nói".1

Xem thêm:

=> Brand Marketing - Khuynh hướng của marketing hiện đại

=> 8 Tính chất của ngôn ngữ báo chí

=> Mách bạn cách viết bài PR cho doanh nghiệp tăng doanh thu

Trong báo chí, việc chơi chữ diễn ra dưới nhiều dạng thức khác nhau. Song, nhìn chung, có thể khái quát chúng thành một số kiểu cơ bản như sau:

1. Bóc tách các thành tố của từ nguyên khối (thường là từ 2 âm tiết) thành những từ độc lập. Ví dụ:
"Những kẻ chỉ đào mà không tạo" (Văn nghệ trẻ, 13 / 5 / 2001);
"Sông Tô mà chẳng lịch" (Phụ nữ Thủ đô, 17 / 6 / 1999);
"Hội ít mà thảo nhiều" (Văn hoá, 1/ 3 / 1998);
"... Thời " oanh" đã qua, nay tới thời "liệ " (Thế giới, 25 / 3 / 2002);
"Tín vượt... ngưỡng" (Hà Nội mới, Tết, 2202);
"Có "toà" mà chưa có "án" (Gia đình và Xã hội, số 47 / 2000);..
Thực tế khảo sát cho thấy, trong đa số các trường hợp, quan hệ về mặt ý nghĩa giữa các thành tố bị bóc tách là quan hệ tương phản. Vì thế, giữa chúng thường có sự hiện diện của những quan hệ từ như mà, nhưng. Còn kiểu bóc tách "không tương phản" như sau rất hiếm khi gặp: "Những năm ở đưòng 7, sáng có quen biết một tài xế người Bắc rồi hai người bén duyên nhau. đúng là anh "tài" đã "xế " vào cuộc đời Sáng..." ( Tiền phong, 17 / 2 /2002 ).
Việc chơi chữ theo kiểu bóc tách có thể được khái quát hoá thành mô hình như sau:
AB -> A cx B
Trong đó: A và B là hai âm tiết của từ nguyên khối, cx là bộ phận chêm xen.
Có lẽ ở đây cũng cần phải nói thêm rằng bộ phận chêm xen không nhất thiết lúc nào cũng phải là từ ngữ; có khi nó được thể hiện bằng dấu câu, ví dụ:
"Những chuyến xe "hành"... khách" (Hà Nội mới cuối tuần, 28 / 5 / 1995).

2. Dùng các cấu trúc đối nhau về ý nghĩa. Ví dụ:
" Trường thọ đang ... giảm thọ" (Lao động, 14 / 5 /2001);
"Sinh nhật - sinh chuyện..." (Hà Nội mới chủ nhật, 22 / 2 /1998);
"Hoá đơn đỏ trên thị trường đen" (Thanh niên, 19/ 4 /1999);
"Sông Bé đã trở thành "sông lớn" ?(Thanh niên, 11 / 4 / 2000);
"Sầu riêng với nỗi buồn chung"... (Phụ nữ Việt Nam, 25 / 6 /1999);...
Để xây dựng các cấu trúc như vậy, người ta thường sử dụng các cặp từ trái nghĩa (đỏ - đen, bé - lớn, riêng - chung,...). Trong mỗi ví dụ trên, cả hai thành tố của cặp từ trái nghĩa đều có mặt; song cũng có những trường hợp chỉ có một thành tố xuất hiện, chẳng hạn:
"Công ty vô trách nhiệm vô hạn" (Gia đình và Xã hội, số 33 / 2002).
"Công ty trách nhiệm hữu hạn" là cụm từ có tính phổ cập rất cao, vì thế khi người đọc gặp cụm từ "Công ty vô trách nhiệm vô hạn" họ hiểu ngay rằng đây chính là sản phẩm thu được nhờ sự cải biên cụm từ đầu.
Mô hình khái quát:
A ----- (- A)
Trong đó: (- A) là từ trái nghĩa với A.
Tuy nhiên ở đây cũng cần phải nói thêm là A và (- A) có thể là những từ trái nghĩa hoàn toàn, mà cũng có thể là những từ chỉ trái nghĩa trong những ngữ cảnh nhất định nào đó (Sinh nhật - sinh chuyện).
3. Sử dụng phép đồng âm giữa các từ
Đây là kiểu chơi chữ hết sức phổ cập. Có thể chia nó thành một số dạng chính như sau:
a, Dùng các thành tố đồng âm hoàn toàn
Các thành tố này có thể biểu thị các từ khác nhau (đây là những từ đồng âm khác nghĩa), ví dụ:
"Tiếng than từ vùng than" (Lao động, 12 / 3 / 2002);
"Từ màn bạc đến két bạc" (Tiền phong, 12 / 8 / 1998);
Bên cạnh đó, chúng cũng có thể biểu thị cùng một từ, nhưng trong các nét nghĩa khác nhau, ví dụ:
"Gái nhảy" có tạo được bước "nhảy"? ( Người lao động, 6 / 2 / 2003) ;...
Mô hình khái quát:
A (y1) ----- A (y2)
Trong đó: A là vỏ âm thanh của từ, còn y1, y2 là hai ý nghĩa khác nhau của vỏ âm thanh đó.
b, Dùng các từ (hay các âm tiết) có vỏ âm thanh gần giống nhau
Các từ ( hay các âm tiết ) này có thể :
- Chỉ khác nhau ở phụ âm cuối, ví dụ:
"Phong trào nuôi ốc hương ở Khánh Hoà đang đi từ "sốt" đến "sốc" (Lao động, 23 / 1 /2003);
- Chỉ khác nhau ở phụ âm cuối và ở phần vần, ví dụ:
"Hái lộc hay hái luật" (Văn hoá, 11/ 2 /1998);
- Chỉ khác nhau ở phần vần, ví dụ:
"Cheo leo Chalo" ( Tiền phong, 19 / 4 /2002);
- Chỉ khác nhau ở phụ âm đầu, ví dụ:
"Học đòi - học vòi - học chơi chòi..." (Hạnh phúc gia đình , 15 / 2 /2002);
- Chỉ khác nhau ở dấu thanh điệu, ví dụ:
"Ẩn hoạ văn hoá" (Hà Nội mới, Tết Nhâm Ngọ, 2002);
"Tìm hoa gặp hoạ" (Tuổi trẻ hạnh phúc, số 6/ 1999);
"Trường tư, đầu tư, từ đâu?" (Hà Nội mới, 14 / 3 /1999);...
Hai hình thức chơi chữ bằng cách dùng các từ đồng âm hay gần âm nêu trên khá giàu sức gợi: Những âm thanh được lặp đi lặp lại cứ xoáy vào lòng người đọc, gây nên một nỗi ám ảnh lâu bền. Tuy nhiên, nó lại tương đối phức tạp, vì đòi hỏi người viết phải có sự lựa chọn công phu để tìm ra các từ vừa có ý nghĩa phù hợp với tư tưởng và cảm xúc mà anh ta muốn thể hiện, lại vừa phải có vỏ âm thanh giống nhau.
Mô hình khái quát:
A ---- A'----- A''
Trong đó: A, A', A'' là các từ có vỏ âm thanh gần giống nhau.
c, Thay thế một từ (hay một cụm từ) bằng một từ (hay một cụm từ) khác có vỏ âm thanh gần giống với nó, ví dụ:
"Ngày xuân đi xem ... hại" (Hà Nội mới, Tết 2002);
(Từ "hại" ở đây xuất phát từ từ "hội");
"Trường lên đỉnh Olimpia " (Lao động, 21 / 3 /2002)
(Từ "trường" trong ví dụ này bắt nguồn từ từ "đường");
"Gặp nhau đuối ... dần" (Đầu tư, 12 / 1 /2002);
("Đuối dần" là cách nói nhại theo từ "cuối tuần");...
Mô hình khái quát:
A' / A
Trong đó: A' là từ xuất hiện thay thế cho A là từ có vỏ âm thanh gần giống với nó.
d, Đảo ngược trật tự các thành tố trong cấu trúc, ví dụ:
"Lắc ai? Ai lắc?" (Tuổi trẻ, 11 / 5 / 2002);
"Hồ Than Thở đang thở than" (Nông nghiệp Việt Nam, 9 / 4 /1999);...
Mô hình khái quát: AB ---> BA
Trong đó: A và B là các âm tiết trong một từ nguyên khối.
e, Phiên các âm tiết trong tên riêng nước ngoài thành các từ tiếng Việt có ý nghĩa, ví dụ:
"Đại bại tướng Vét Mỡ Lợn (Wesmoreland) đã cút về nước mẹ Hoa Kỳ (Nhân dân, 13 / 6 /1968);
"Khi ... Cá Bột Lọt (Cabotlodge) mời Zoon đến thăm Việt Nam, y hoa tay lia lịa vì y sợ quân du kích hoan nghênh" (Nhân dân, 4 /11 /1966);...
Hình thức chơi chữ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai thác khá thường xuyên trong các tiểu phẩm châm biếm của mình ở thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ.2
Mô hình khái quát:
ABC (+ y) / ABC (- y)
Trong đó: ABC (+ y) là các âm tiết trong tiếng Việt với ý nghĩa của chúng được dùng để thay thế cho ABC (- y) là các âm tiết trong tiếng nước ngoài không có ý nghĩa đó.
f, Gán cho âm tiết trong từ nước ngoài ý nghĩa của từ đồng âm với nó trong tiếng Việt rồi xây dựng những kết cấu đối nhau. Ví dụ:
"Taylo rồi chân cũng lo" (Nhân dân, 20 / 7 /1964);
"Cô - ta sang Tây" ( Lao động, 11 / 3/ 1999);...
Mô hình khái quát:
AB (+ y) ----- (- A) hoặc (- B ) (+ y)
Trong đó: AB là các âm tiết trong tiếng nước ngoài được gán cho ý nghĩa của từ đồng âm với nó trong tiếng Việt, (- A) và (- B) là các âm tiết tiếng Việt có ý nghĩa đối lập với A và B, y là ý nghĩa.
g, Nói lái
Nói lái là một hình thức chơi chữ độc đáo. Chỉ bằng sự sắp xếp lại những bộ phận cấu thành( phụ âm đầu, khuôn vần hay dấu thanh ) của các âm tiết nào đó, người ta có thể tạo ra những âm tiết mới. Và trong nhiều trường hợp, các âm tiết mới này không chỉ giống các âm tiết cũ về phương diện âm thanh mà còn có quan hệ khăng khít với chúng về mặt ý nghĩa. ví dụ:
"... Cái gọi là "tình yêu hiện đại" có khi hiện đại quá hoá ra "hại điện", biến thành bi kịch tình yêu " (Hạnh phúc gia đình, 28 / 12 / 2001);
"Xa đi, siđa!" (Lao động, 3 / 5 / 2002);
"Vấn đề " đầu tiên"..." (Lao động, 2 / 11 / 2002), v.v.
Các ví dụ trên đều là những trường hợp hợp chơi chữ thành công: Cái gọi là "tình yêu hiện đại" rất có thể sẽ không chỉ làm phương hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc mà còn làm tốn kém về vật chất của cá nhân và gia đình; vì thế từ "hại điện" như là sản phẩm của sự nói lái được dùng rất chính xác. Căn bệnh thế kỷ SIDA hiện chưa có thuốc chữa đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất của toàn nhân loại, ai ai cũng cần phải tránh xa, cho nên phép nói lái Siđa thành "xa đi" là một sự lựa chọn tinh tế. Rồi chuyện "tiền đâu?" luôn là vấn đề bức xúc và nan giải nhất ở nhiều lĩnh vực hoạt động của cuộc sống, do đó nói lái " tiền đâu " thành "đầu tiên" nhằm khẳng định vị thế quan trọng của đồng tiền trong việc thực hiện một kế hoạch nào đó là hoàn toàn phù hợp với văn cảnh.
Ở đây cũng cần nói thêm rằng không phải sản phẩm nào của sự nói lái cũng đều mang ý nghĩa, có những trường hợp chúng chỉ đơn giản nhằm mục đích tạo ra sự mới lạ cho cách diễn đạt hay mang lại giá trị thẩm mỹ nhất định cho từ gốc vốn biểu đạt một khái niệm không hay, không đẹp cho nên ít được dùng trong những hoàn cảnh giao tiếp chính thức, trang trọng. Ví dụ:
“...Nghe thông tin từ ông Nguyễn lê- Phó Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội - mà thấy rầu cả lòng. Theo ông Lê, với những trận mưa trên 50 mm trong 3 giờ thì có thể có tới hơn 30 đường phố Hà Nội bị ngập úng trong mùa mưa 2002 này. Sực nhớ, số điểm ngập úng cục bộ ở Hà Nội mùa mưa năm ngoái cũng là 30. 30 bằng 30. Và như vậy thì tình hình úng ngập năm nay đúng là "vũ như cẫn"...” (Lao động, 15 / 5 /2002);
“Tuy truyền hình đến quay phim khá nhiều lần, nói là để phản ảnh nhưng mọi thứ cứ " Nguyễn Y Vân " từ nhiều năm qua như thế” (Phóng sự Thái Minh Châu, NXB. Lao động, 1999);
"Lại "cuổng trời"!" (Lao động, 21 / 4 / 2002);...
Nếu ta dùng các chữ cái A, B để biểu thị các chữ cái đứng đầu âm tiết, V - vần, và T - thanh điệu, các trường hợp nói lái có thể được khái quát thành một số mô hình cơ bản như sau:
A (V1 T1) B (V2 T2) -----> B (V2 T1) A (V1 T2): đấu tranh - tránh đâu;
A (V1 T) B (V2 T) ------> A (V2 T) B (V1 T): hiện đại - hại điện;
A (V1 T1) B (V2 T2) -----> A (V2 T1) B (V1 T2): cởi truồng - cuổng trời.

4. Dùng từ có thể đồng thời gợi ra nhiều ý nghĩa. Ví dụ:
"Làm thế nào cho lạc thêm vui?" (Nhân dân, 14 / 3 /1962)
"Những kẻ sống ... "lạc" (Gia đình, số 2 / 2003);...
Trong ví dụ thứ nhất, chính sự xuất hiện của từ "vui" đã khiến cho từ "lạc" đồng thời biểu thị hai ý nghĩa: vừa là "củ lạc, hạt lạc" vừa là "vui sướng". Còn từ "lạc" trong ví dụ thứ hai vừa có thể hiểu là "lầm lạc", vừa có thể hiểu là "khoái lạc" (vì nội dung của bài phóng sự có tiêu đề như trên nói về những nam thanh niên kiếm sống bằng nghề phục vụ chuyện chăn gối cho những phụ nữ đã luống tuổi, thừa tiền nhưng lại thiếu tình).
Mô hình khái quát:
y1
A
y2
Trong đó: A là vỏ âm thanh, còn y1 và y2 là các ý nghĩa mà vỏ âm thanh đó biểu thị.

Sau khi khảo sát việc chơi chữ trên báo chí, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

Thứ nhất, khái niệm về chơi chữ trong Từ điển tiếng Việt mà chúng tôi đã giới thiệu ở phần đầu bài viết này cần được làm rõ hơn như sau:
Chơi chữ là một thủ pháp tạo giá trị biểu cảm cho lời nói, trong đó, trên cơ sở những từ hay âm tiết nào đó, người ta sử dụng những từ hay âm tiết khác (có sẵn hay vừa được tạo ra trong thời điểm giao tiếp) mà có nét tương đồng với chúng về vỏ âm thanh hay có quan hệ nhất định với chúng về ý nghĩa, nhằm tạo ấn tượng cho người nghe, người đọc.
Thứ hai, chơi chữ luôn mang tính bình giá nổi bật. Nói cách khác, nó luôn thể hiện rõ ràng thái độ tình cảm của người viết đối với vấn đề, sự kiện, hiện tượng, ... được phản ánh.
Thứ ba, việc chơi chữ, so với các thủ pháp tạo giá trị biểu cảm khác (như sử dụng chất liệu văn học, dùng khẩu ngữ, vay mượn từ ngữ từ tiếng nước ngoài, dùng ẩn dụ,...) ít được sử dụng hơn. Điều này là bởi những hoàn cảnh có khả năng làm nảy sinh việc chơi chữ không nhiều; hơn nữa, để chơi chữ, người viết cần có sự nhạy cảm nhất định trong việc xử lý ngôn từ.
Thứ tư, mang dấu ấn cá nhân rõ nét, việc chơi chữ luôn nổi bật và rất dễ dàng bị nhận diện. Vì thế, không ít người xem chơi chữ như một con dao hai lưỡi: nếu sản phẩm của sự chơi chữ là kết quả của một sự tìm tòi, khám phá tinh tế, phù hợp với quy luật tự nhiên của ngôn ngữ thì hiệu quả tác động của nó sẽ rất to lớn; còn ngược lại, nếu đó là kết quả của một kiểu tư duy áp đặt, khiên cưỡng, nó sẽ gây ra sự phản cảm không thể xem thường đối với người đọc.

Chú thích

1. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt ( Hoàng Phê chủ biên ), NXB. Đà Nẵng, 2001, tr. 172.
2. Viện Ngôn ngữ học, Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB. Khoa học xã hội, H., 1980.

                                                        ( Bài đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 6/2003 )

----------------------------****----------------------------------

 

bột sắn dây nguyên chất | tác dụng của bột sắn dây | cách sử dụng bột sắn dây